Vùng biển Bắc Bộ của Việt Nam tự hào sở hữu hai khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, góp phần quan trọng vào bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Hai khu vực này là Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà và Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.
Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà tọa lạc trên đảo Cát Bà, thuộc thành phố Hải Phòng. Được UNESCO công nhận vào năm 2004, khu vực này nổi bật với hệ sinh thái đa dạng, bao gồm rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn, các rạn san hô và hang động đá vôi.
Vịnh Lan Hạ là một trong những địa điểm hấp dẫn khách quốc tế khi đến khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà.
Cát Bà là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc biệt là voọc đầu trắng, một loài linh trưởng đặc hữu chỉ có tại đây. Hệ sinh thái biển phong phú với hàng trăm loài cá, thân mềm và giáp xác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái của vùng biển Bắc Bộ.
Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng
Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng trải dài trên địa bàn ba tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Được UNESCO công nhận cùng năm với Cát Bà, khu vực này là một vùng đất ngập nước ven biển quan trọng, với các bãi bùn, bãi cát, trảng cỏ, rừng ngập mặn và cồn cát.
Vườn quốc gia Xuân Thủy trong khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng ghi nhận trên 220 loài chim di cư và chim nước, đặc biệt có 09 loài được ghi trong sách Đỏ quốc tế.
Châu thổ sông Hồng là nơi cư trú và điểm dừng chân của hàng trăm loài chim, trong đó có nhiều loài chim di cư quý hiếm. Rừng ngập mặn tại đây không chỉ là nơi sinh sống của đa dạng sinh học mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, giảm thiểu tác động của thiên tai.
Ý kiến bạn đọc (0)