Tiểu hành tinh là gì?
Tiểu hành tinh thường được coi là “đống đổ nát không gian”, những mảnh vỡ còn sót lại sau khi Hệ Mặt Trời của chúng ta hình thành. Những vật thể bằng đá này chuyển động quanh Mặt Trời giống như các hành tinh nhưng có kích thước nhỏ hơn nhiều. Phần lớn chúng không tròn trịa mà khá lởm chởm và có hình dạng bất thường.
Các nhà khoa học đã phân loại tiểu hành tinh thành ba lớp chính:
- Loại C (chondrite cacbon): Được gọi là tiểu hành tinh chứa carbon, thường được cấu tạo từ đất sét, carbon và silicat. Loại C là những tiểu hành tinh có nhiều nhất trong Hệ Mặt Trời, chiếm khoảng 75%. Chúng cũng là một số loại thiên thể lâu đời nhất hiện có.
- Loại S (chondrite đá): Hay tiểu hành tinh silicat, là sự kết hợp của silicat và niken-sắt. Chúng chiếm khoảng 17% tổng số tiểu hành tinh trong Hệ Mặt Trời.
- Loại M (chondrite kim loại): Chủ yếu có bản chất là niken-sắt kim loại. Chiếm 8% tổng số tiểu hành tinh, chúng ta biết ít hơn về loại M so với các loại còn lại. Một số tiểu hành tinh kim loại khi đến quá gần Mặt Trời sẽ tan chảy thành những vùng dung nham.
Các tiểu hành tinh này có thể có đường kính từ vài mét đến hàng trăm kilomet. Một số tiểu hành tinh lớn hơn thậm chí còn hút những tiểu hành tinh nhỏ hơn khiến những tiểu hành tinh nhỏ hơn đó trở thành vệ tinh của nó. Có hơn một triệu vật thể đá này đã được lập danh mục, nhưng các nhà khoa học tin rằng còn hàng triệu vật thể như thế nữa chưa được phát hiện.
Các tiểu hành tinh nằm ở đâu?
Mặc dù có những tiểu hành tinh đi lang thang khắp nơi trong Hệ Mặt Trời, hầu hết chúng chỉ tập trung ở một số ít nơi.
Vành đai tiểu hành tinh
Vành đai tiểu hành tinh nằm trong khoảng không gian giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, chứa phần lớn các tiểu hành tinh trong Hệ Mặt Trời. Nó cách Trái Đất gấp đôi khoảng cách của hành tinh chúng ta với Mặt Trời. Vật thể đầu tiên trong vành đai này được phát hiện vào năm 1801 và đã mở ra một cuộc tìm kiếm dẫn đến việc phát hiện ra khoảng một triệu vật thể tương tự nữa. Các nhà khoa học từng tin rằng vành đai này là tàn tích của một hành tinh đã phát nổ, nhưng những khám phá gần đây hơn dường như đã loại trừ trường hợp này. Tổng khối lượng của tất cả các tiểu hành tinh riêng lẻ này thậm chí còn không bằng khối lượng của Mặt Trăng chúng ta, chứ chưa nói đến một hành tinh. Nhờ hấp dẫn của Sao Mộc, những mảnh đá này đã được giữ lại trong khoảng không gian của vành đai tiểu hành tinh.
Phần lớn thông tin chúng ta hiện có từ khu vực này đến từ tàu vũ trụ Dawn đã khám phá trong khoảng từ năm 2011 đến năm 2018.
Những vật thể xa hơn Sao Hải Vương
Ở ngoài cùng của Hệ Mặt Trời tồn tại Vành đai Kuiper. Nó là một vành đai băng và những mảnh vỡ không gian bắt đầu từ điểm xa nhất của quỹ đạo Sao Hải Vương và kéo dài khoảng 25 AU ra ngoài không gian. Sao Diêm Vương chắc chắn là vật thể nổi tiếng nhất trong khu vực này.
Sao Diêm Vương là một trong ba hành tinh lùn nằm rải rác trên vành đai Kuiper, nhưng ngoài kia còn rất nhiều hành tinh lùn khác. Tàu thăm dò New Horizons của NASA hiện đang ở ngoài khu vực này sau khi phóng lên từ Trái Đất khoảng 15 năm trước.
Ngoài vành đai Kuiper còn tồn tại đĩa phân tán và cuối cùng là Mây Oort, đại diện cho rìa của Hệ Mặt Trời như chúng ta đã biết. Một hành tinh lùn đã được xác nhận tồn tại trong khu vực của đĩa phân tán, và chắc chắn một ngày nào đó chúng ta sẽ đếm được có bao nhiêu tiểu hành tinh chuyển động quanh quỹ đạo rất xa Mặt Trời này.
Các tiểu hành tinh Trojan
Tiểu hành tinh Trojan là những mảnh đá không gian có chung quỹ đạo với một trong các hành tinh của chúng ta. Mặc dù chúng có chung quỹ đạo, nhưng các tiểu hành tinh Trojan vẫn đủ xa một hành tinh để không bị lực hấp dẫn của nó cuốn vào. Với vị trí gần vành đai tiểu hành tinh, Sao Mộc cho đến nay là hành tinh trong Hệ Mặt Trời có nhiều Trojan nhất với số lượng ước tính hơn một triệu. Nhưng mới chỉ có 7.000 Trojan trong số đó được ghi nhận cho đến nay.
Sao Hải Vương có 28 tiểu hành tinh Trojan đã biết, có khả năng là những tiểu hành tinh trôi nổi trên vành đai Kuiper. Sao Hỏa có 9 trong quỹ đạo của nó, và một tiểu hành tinh đơn độc đã được phát hiện đang di chuyển trong quỹ đạo của Trái Đất vào 10 năm trước.
Đóng vai trò của các vệ tinh
Tuy hơi suy đoán, nhưng có khả năng ít nhất một vài vệ tinh trôi nổi xung quanh hành tinh của chúng ta đã từng là tiểu hành tinh. Phobos và Deimos, hai vệ tinh của Sao Hỏa, có hình dạng rất bất thường và là hai trong số những vệ tinh nhỏ nhất trong Hệ Mặt Trời. Chúng chắc chắn phù hợp với mô tả về các tiểu hành tinh trước đây. Với số lượng vệ tinh mà Sao Mộc có, khả năng gã khổng lồ khí đã đánh cắp ít nhất một vài vệ tinh từ vành đai tiểu hành tinh cách đó không xa lắm. Thật thú vị khi để ý rằng nhiều vệ tinh bên ngoài của Sao Mộc chuyển động theo hướng ngược lại với chuyển động quay của hành tinh, cho thấy rằng chúng không được hình thành cùng với hành tinh này.
Các tiểu hành tinh gần Trái Đất
Có phân loại riêng cho toàn bộ các tiểu hành tinh lang thang ngoài không gian gần hành tinh của chúng ta và được gọi là tiểu hành tinh gần Trái Đất. Trong khi một số không bao giờ tiếp cận quỹ đạo của Trái Đất, một số tiểu hành tinh vượt qua đường ranh giới tưởng tượng đó khi chúng di chuyển quanh Mặt Trời.
Tiểu hành tinh nào lớn nhất trong Hệ Mặt Trời?
Một câu hỏi đơn giản nhưng câu trả lời hơi phức tạp hơn bạn nghĩ.
Ceres
Ceres là vật thể đầu tiên được phát hiện trong cái mà ngày nay được gọi là vành đai tiểu hành tinh. Vào thời điểm được phát hiện, nó là vật thể lớn nhất trong vành đai với đường kính 950 km. Đương nhiên, sẽ có lý khi phân loại Ceres như một tiểu hành tinh. Nó chắc chắn đáp ứng các yêu cầu và sẽ là loại C. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên mới nhất với sự ra đời của các hành tinh lùn vào năm 2006. Do kích thước lớn, Ceres đã được đưa vào danh sách các hành tinh lùn này. Nó có đủ trọng lực để duy trì hình dạng gần như hình cầu, điều mà không tiểu hành tinh nào khác trong vành đai có thể đạt được. Vậy nên gọi Ceres là một tiểu hành tinh vào thời điểm này có vẻ không công bằng. Thêm vào đó, có những hành tinh lùn khác trong vành đai Kuiper lớn hơn Ceres. Nếu những hành tinh lùn này đáp ứng các tiêu chuẩn cho một trong các lớp tiểu hành tinh, thì nó có được coi là lớn nhất không? Giải pháp tốt nhất nên là tách riêng nhóm các hành tinh lùn và chỉ tìm kiếm trong số các tiểu hành tinh.
Vesta
Vesta là vật thể lớn thứ hai trong vành đai tiểu hành tinh với đường kính 525 km. Nó có hình dạng hơi cầu nhưng không bằng Ceres. Có thể một số trong những cạnh gồ ghề này được hình thành từ vô số vụ va chạm mà tiểu hành tinh đã trải qua trong thời gian dài. Vesta đã bị va đập nhiều lần đến mức có khả năng nó đã từng suýt bị vỡ tan tành vào một thời điểm nào đó trong quá khứ. Với khoảng cách không quá xa Trái Đất, một vài mảnh Vesta đã tìm đường đến bề mặt hành tinh chúng ta ngay trong vòng 50 năm qua. Do kích thước của nó, Vesta có các lớp tách biệt. Dung nham nguội bao phủ một lớp phủ đá có lõi bao gồm sắt và niken. Nó đủ lớn để thỉnh thoảng có thể nhìn thấy từ Trái Đất bằng mắt thường.
Kết luận
Vesta là tiểu hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời. Mặc dù Ceres lớn hơn Vesta, nhưng Ceres được phân loại là hành tinh lùn. Do đó, nếu chỉ xét các tiểu hành tinh, Vesta giữ danh hiệu lớn nhất.
Ý kiến bạn đọc (0)